Xuất bản thông tin

null Nhiều giá trị được phát huy từ mô hình Hội quán

Trang chủ Mô hình hội quán

Nhiều giá trị được phát huy từ mô hình Hội quán

Từ câu chuyện thay đổi của thị trường và mong muốn nông dân tập hợp lại,  cùng sản xuất sạch theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã khởi sướng thành lập mô hình “Hội quán nông dân” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình này ra đời được gần 5 năm, đã bước đầu phát huy hiệu quả khi nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra những giá trị mới cho nông nghiệp.


Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, mỗi buổi ra mắt một Hội quán trên địa bàn tỉnh, ông Lê Minh Hoan đều tham dự và nói chuyện thâm tình với nông dân

Thay đổi tư duy sản xuất

Thật ra, Hội quán ở Đồng Tháp không phải là mô hình kinh tế gì quá lớn lao mà đây chỉ là một thiết chế xã hội nhỏ, tập hợp những người dân cùng ngành, có thể là nông dân trồng xoài, quýt, chanh, hoa kiểng... lại với nhau, trên tinh thần tự nguyện để cùng chia sẻ chuyện nhà cửa, đất đai, sản xuất. Mặc dù không có một tổ chức chính trị nào điều hành, không biên chế, ngân sách, thế nhưng nhờ sự thấu hiểu, mở lòng, chịu đổi mới của người nông dân, chấp nhận “bước ra khỏi ngôi nhà riêng của mình để vào ngôi nhà chung - Hội quán”, từ đó nông dân tỉnh nhà đã có sự thay đổi rõ nét, đặc biệt là sự chuyển biến trong tư duy sản xuất.

Hiện nhiều nông dân Đồng Tháp không còn sản xuất chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Cùng với đó, nông dân còn chú trọng liên kết, hợp tác hình thành vùng sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, đối với Canh Tân Hội quán (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) - Hội quán ra đời đầu tiên của tỉnh. Sau hơn 4 năm thành lập, bà con nông dân nơi đây đã thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang thực hiện mô hình kinh tế tập thể. Từ đó, trái nhãn Châu Thành vươn xa hơn trên thị trường xuất khẩu kể cả những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Theo ông Lê Thành Lộc - Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán, qua 4 năm thành lập, Hội quán phát triển được 127 thành viên, sản xuất nhãn sạch, có chứng nhận VietGAP với diện tích 120ha. Đặc biệt, như một bước chuyển mình tất yếu, để có cơ sở pháp nhân liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp một cách hiệu quả, từ Hội quán này đã nâng lên thành lập Hợp tác xã (HTX) với tên HTX Nông sản an toàn An Hòa với 127 thành viên hoạt động song song với Hội quán. Việc hai mô hình này tồn tại song song có thể hỗ trợ, bổ khuyết cho nhau, từ đó dễ dàng trong việc liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp với sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng an toàn.

Có thể nói, câu chuyện của Canh Tân Hội quán như đã “khơi màu” cho việc gắn kết chia sẻ, sản xuất của bà con nông dân trong tỉnh. Bởi theo sau đó, đã có 109 Hội quán với tổng số 5.911 hội viên, trong đó có 26 HTX nông nghiệp được thành lập từ 27 mô hình Hội quán và đã làm theo mô hình hợp tác - liên kết - thị trường rất hiệu quả. Có thể kể đến như các Hội quán: Minh Tân (xã Mỹ Xương) liên kết tiêu thụ xoài; Thành Tâm (huyện Lai Vung) ký kết hợp đồng cung cấp quýt đường và cam xoàn cho Công ty VinEco; Đồng Tâm (xã Tịnh Thới) phối hợp với Viện Cây ăn quả triển khai 42ha sản xuất xoài đủ điều kiện xuất khẩu...


Ông Lê Minh Hoan động viên bà con giữ vững lòng kiên định trong sản xuất sạch, an toàn để thích ứng với sự thay đổi của thị trường

Nhiều giá trị được phát huy

Không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, nhiều giá trị khác cũng được phát huy từ mô hình Hội quán. Trong đó, một điều dễ nhận thấy nhất là Hội quán đã xóa bớt dần khoảng cách giữa nông dân với chính quyền. Điều mà trước nay được xem là rào cản rất lớn để đưa tiếng nói của Đảng đến từng người dân. Ông Lê Phước Tánh - Phó Chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán (xã Tân Thuận Tây) cho biết: “Hồi đó nói tới lãnh đạo xã, tỉnh nông thấy xa lắm, gặp còn khó, nói chi tới chuyện kiến nghị những vấn đề thắc mắc. Vậy mà khi Hội quán thành lập, tại các cuộc họp của Hội quán, Bí thư xã rồi lãnh đạo tỉnh đến nói chuyện thâm tình, gần gũi, mình dễ tiếp nhận và cũng dễ làm theo. Bây giờ Hội quán đều sản xuất sạch rồi, xoài thì làm hữu cơ, sản xuất kết hợp du lịch, nông dân đã tận dụng phế phẩm làm phân hữu cơ bón cho cây nên xoài được đảm bảo chất lượng, yên tâm đầu ra...”.

Còn theo cảm nhận của ông Trần Văn Bình - Chủ nhiệm Hội quán Làng hoa, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, từ khi thành lập Hội quán, nơi đây, Nhân dân có dịp sinh hoạt, chia sẻ thông tin, họp bàn chuyện đời sống, chuyện làng, chuyện xóm, chuyện đổi mới cách sản xuất, kinh doanh, làm ăn; phát huy tốt tinh thần làm chủ của Nhân dân trong giải quyết các vấn đề chung của xã hội, bắt đầu từ việc nhỏ, đơn giản nhưng mang tính cấp thiết, có sự đồng lòng, nhất trí cao của cộng đồng,...


Không chỉ sản xuất sạch mà hiện nay bà con ở Tâm Quê Hội quán (Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh) còn tự sản xuất phân hữu cơ để tưới cho xoài, điều này đã giúp bà con giảm chi phí sản xuất xuống hơn 50%

Có thể nói, với 109 Hội quán của tỉnh dù mỗi nơi có cách tổ chức cũng như tìm ra những giá trị khác nhau. Song thực tiễn bước đầu hoạt động của các Hội quán cho thấy, một mô hình liên kết tự nguyện, không biên chế, không ngân sách đã bắt đầu có hiệu quả.

Mô hình Hội quán kích hoạt được sự năng động trong các giai tầng, đã nối kết được người với người, khơi dậy niềm tin từ trong hệ thống lan tỏa ra ngoài xã hội. Thế nhưng, theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Hội quán ra đời hôm nay không chỉ để giải quyết những việc ở hiện tại mà Đồng Tháp đang xây dựng một xã hội tương lai. Tỉnh sẽ tiếp tục làm lan tỏa giá trị chiều sâu của mô hình Hội quán trong hệ thống chính trị và người dân; nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội quán. Từ mô hình Hội quán sẽ góp phần phát triển chương trình “OCOP - Mỗi xã một sản phẩm” nhằm chắp cánh cho tài nguyên bản địa và giá trị cộng đồng, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản Đồng Tháp. Cùng với đó, là thí điểm hình thành “Làng thông minh” trên nền tảng Hội quán, giúp cho người nông dân có tầm nhìn đến tương lai và vượt ra khỏi không gian làng xã để kết nối ra bên ngoài dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và phát triển bền vững.