Xuất bản thông tin

null Hiệu quả từ mô hình Hội quán ở Đồng Tháp

Trang chủ Mô hình hội quán

Hiệu quả từ mô hình Hội quán ở Đồng Tháp

Từ Canh Tân Hội quán – mô hình Hội quán đầu tiên được thành lập vào tháng 7/2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 58 Hội quán với hàng nghìn thành viên tham gia.

Những Hội quán được thành lập ở Đồng Tháp trong thời gian qua là hình thức liên kết tự nguyện của nông dân nhằm chia sẻ những kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xã hội..., và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Thời gian sinh hoạt của Hội quán rất linh hoạt, tùy theo điều kiện, các thành viên tự thỏa thuận, không ảnh hưởng đến việc sinh kế, mùa màng, ruộng vườn, chăm lo gia đình....

Nhằm tạo điều kiện cho các Hội quán hoạt động, chính quyền các cấp ở Đồng Tháp đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tập huấn công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cung cấp thông tin về thị trường và hỗ trợ máy vi tính, đường truyền cáp quang, tivi, máy chiếu…giúp các Hội quán kết nối nhanh về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, hoạt động chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả và tự tin hơn trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.

Qua thực tiễn hoạt động, cho thấy mô hình Hội quán đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện Chương trình xây dưng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đó là góp phần phát triển kinh tế, thông qua Hội quán tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, cách kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm... từ đó người dân thay đổi dần quy trình sản xuất truyền thống, hàng hóa sản xuất không thương hiệu, giá cả không ổn định; Hội quán đã giúp chuyển biến nhận thức của nông dân sản xuất theo hướng công nghệ cao, theo quy trình hữu cơ sinh học, xây dựng quy hoạch, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp phân phối, chế biến với các nhà sản xuất, hộ nông dân, giúp kinh tế của Đồng Tháp ngày càng phát triển.

Một mô hình Hội quán ở Lai Vung, Đồng Tháp. (Ảnh: K.V)

Hội quán cũng là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản. Bước đầu các Hội quán đã ký kết với các công ty trong việc tiêu thụ sản phẩm, thông qua việc ký kết đã nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất phải bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Hiện tại, đã có rất nhiều thành viên tham gia mô hình sản xuất theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ. Ngoài ra, mô hình trở thành nền tảng hình thành và phát triển các hợp tác xã mới, đến nay, đã có 6 hợp tác xã nông sản an toàn được thành lập trên cơ sở các Hội quán nông dân, qua đây mở ra hướng đi mới, phù hợp định hướng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Tháp.

Điển hình như Hội quán Chanh huyện Cao Lãnh đã ký kết với Công ty VinEco trong việc tiêu thụ sản phẩm và được bán vào hệ thống siêu thị Vincom; Hội quán Thành Tâm, huyện Lai Vung ký kết hợp đồng cung cấp quýt  đường và cam xoàn cho Công ty VinEco và đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thu nhập của các nhà vườn tăng từ 15% đến 25%; Đồng Tâm Hội quán phối hợp với Viện cây ăn quả triển khai 42 ha sản xuất xoài đủ điều kiện xuất khẩu sang ba nước là Mỹ, Malaysia, Trung Quốc.v.v…

Với việc ra đời của các mô hình Hội quán ở Đồng Tháp đã phát huy tính tự quản cộng đồng trong hoạt động của Hội quán, theo đó, ngoài chuyện sản xuất và làm ăn, còn là nơi bàn chuyện đời sống, giải quyết các vấn đề chung của xã hội, làm đường, xây cầu, nhà ở, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... Từ đó thay đổi dần quan điểm, cách sống người dân trong giải quyết vấn đề cộng đồng, từng bước xác định “chuyện chung của xã hội là chuyện chung của từng người, từng gia đình, mọi người đều có trách nhiệm tham gia thực hiện”, từ đó huy động nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Mô hình Hội quán cũng góp phần thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong, qua đây người dân hiểu được họ đang cần gì và sẽ làm những gì, không còn tư tưởng trông chờ cấp ủy, chính quyền nghĩ thay và ấn định. Từng thành viên biết tận dụng, chia sẻ cùng phát triển, tạo ra một thương hiệu, thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao; thông qua sinh hoạt Hội quán giữa các thành viên đã có niềm tin và tất cả vì lợi ích chung.

Đồng thời mô hình Hội quán cũng đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở. Qua đây tạo thuận lợi cho công tác phối hợp để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, rút ngắn khoảng cách người dân và nhà nước,. Các Hội quán đã phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương lồng ghép tuyên truyền, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có quan hệ chặt chẽ với nhau thông qua hoạt động Hội quán. Vì có xây dựng nông thôn mới tốt thì tình làng, nghĩa xóm, an ninh trật tự mới tốt, đảm bảo người dân an tâm sản xuất; sản xuất tốt theo định hướng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thì người dân có điều kiện hơn để đóng góp xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các Hội quán tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như làm lúa sạch, trái cây, làm bột, hoa kiểng, nhãn, cam, quýt, xoài… Các hội viên tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hay, cách làm giỏi; kết nối các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng; liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân…./.