Xuất bản thông tin

null Mô hình hội quán giúp nông dân nghĩ mới, làm mới

Trang chủ Khoa học - Kỹ thuật

Mô hình hội quán giúp nông dân nghĩ mới, làm mới

Từ Canh tân Hội quán, mô hình Hội quán đầu tiên được thành lập vào tháng 7/2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có hơn 100 Hội quán, gần 6.000 hội viên, 22 Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập trên nền tảng Hội quán.

Với phương châm hoạt động “3 không - 3 tự - 3 cùng” gồm: Không bộ máy, không kinh phí từ ngân sách nhà nước, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định và cùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng. Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân. 

Nhằm tạo điều kiện cho các Hội quán hoạt động, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập huấn công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin về thị trường và hỗ trợ máy vi tính, đường truyền cáp quang, tivi, máy chiếu… giúp các Hội quán kết nối nhanh về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, hoạt động chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả và tự tin hơn trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hội quán ra đời đã tạo điều kiện tốt nhất để cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên cùng đến tham gia sinh hoạt với tư cách là thành viên Hội quán hoặc đại diện cho tổ chức để vừa chuyển giao khoa học kỹ thuật vừa tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà bước đến với nhân dân.

Đây chính là môi trường sinh hoạt chính trị thật sự bởi lẽ từ nông dân, doanh nghiệp đến cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cùng trao đổi, chia sẻ để đi đến thống nhất các nội dung cùng thực hiện.

Hội quán là điều kiện, là môi trường, nhân tố giúp cho cấp ủy đổi mới phương thức lãnh đạo của mình đối với công tác dân vận của Đảng, đưa Đảng đến với dân; giúp cho chính quyền đổi mới phương pháp điều hành chuyển dần từ chính quyền quản lý sang chính quyền kiến tạo và đồng hành với nhân dân.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng giải quyết tốt các yêu cầu từ thực tiễn xã hội đặt ra chứ không chỉ phát động những phong trào mà mình có thể.

Như vậy vấn đề đặt ra lâu nay mà nhiều người quan tâm đó là Hội quán khác gì so với các tổ chức hiện có cũng như có sự khác biệt như thế nào đối với các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, thưa ông?

Khác biệt thì có rất nhiều từ đối tượng cho đến nội dung thực hiện. Tôi đơn cử hai trong nhiều việc khác nhau. Nếu là “Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” thì chủ thể tham gia là nông dân, nhưng Hội quán thì không dành riêng cho chủ thể là đối tượng cá biệt nào.

Hay như HTX, là một đơn vị kinh tế tập thể, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, mục đích cuối cùng là lợi nhuận của HTX và lợi ích của xã viên, trong khi Hội quán thì hoạt động theo sự thỏa thuận của cộng đồng, chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà không đặt vấn đề lợi nhuận cho Ban chủ nhiệm Hội quán.

Trong đó, yếu tố đồng thuận trong cộng đồng có ý nghĩa quan trọng mà tất cả các Hội quán đều xem như tôn chỉ, mục đích khi thành lập. Hoạt động của Hội quán như những “chương trình đào tạo thực tiễn” để làm chuyển đổi tư duy của người nông dân từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Đây chính là nền móng vững chắc giúp cho các HTX nông nghiệp phát triển sau này, để người dân sẵn lòng dấn thân, quyết tâm cùng nhau xây dựng NTM, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở mỗi địa phương.

Và hơn hết đây chính là cơ sở, khát vọng vươn xa hơn trong tương lai để có những cộng đồng đủ khả năng xây dựng những “ngôi làng thông minh, xã kết nối”.

Qua thực tế đã khẳng hiệu quả hoạt động của mô hình Hội quán, vậy theo ông làm thế nào để nhân rộng mô hình này ra diện rộng?

Xin mượn câu nói của người Nhật “Việc gì người khác đã làm được, thì tôi cũng có thể làm được...” và trong thực tế người sau có cơ hội làm tốt hơn cả người trước. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là tránh nóng vội, chủ quan duy ý chí, tránh giáo điều, rập khuôn mà phải học hỏi kinh nghiệm, học hỏi thành công của người đi trước.

Để nhân rộng mô hình Hội quán ra phạm vi rộng hơn, cấp ủy các cấp cần nhận thức sâu sắc về tính chất, vai trò, mục đích, ý nghĩa của mô hình Hội quán, xem đây là một chương trình phát triển bền vững dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy các cấp, sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền, sự theo dõi hướng dẫn, kiểm tra, động viên của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Kiên trì quán triệt phương châm hoạt động “3 không – 3 tự - 3 cùng”, thuyết phục nhân dân bằng chính sự dấn thân gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú.

Bên cạnh đó tuyên truyền để người dân hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn của nền kinh tế thị trường, những khó khăn, thách thức của công nghệ 4.0, của hội nhập thế giới. Ngoài ra cũng cần nói rõ trách nhiệm, vai trò, khả năng của chính quyền địa phương; trách nhiệm, vai trò, khả năng của nông dân để từ đó giúp bà con nhận thức đúng hơn và đạt được sự đồng thuận cao hơn.

Đặc biệt, không hành chính hoá tổ chức và hoạt động của Hội quán vì vậy cần quán triệt phương châm “Tự lực, chăm chỉ, hợp tác, cùng nhau phát triển”, việc gì của dân và dân làm được trong phát triển sản xuất hãy trao quyền để dân quyết định, dân thực hiện.