Xuất bản thông tin

null Kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế

Trang chủ Kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế

Ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT) và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.


Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đồng chủ trì hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Luật HTX năm 2012 là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Các HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội.

Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có trên 27.000 HTX, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.

Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tăng 61% doanh thu bình quân và 88% lợi nhuận bình quân so với năm 2013.

Tại tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua đã tập trung xây dựng nhiều mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đạt hiệu quả tích cực. Nhiều HTX tăng vốn, thu hút thành viên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cải tạo đồng ruộng, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thành viên và thị trường bên ngoài trong từng lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đã có những chuyển biến trong phương thức hoạt động, đầu tư, liên kết, liên doanh, sản xuất gắn với chuỗi giá trị với các thành phần kinh tế khác. HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hợp lý...

Trong giai đoạn 2013 - 2021, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập mới 106 HTX, giải thể 91 HTX yếu kém không hoạt động. Số HTX toàn tỉnh ước đến cuối năm 2021 là 214 HTX, trong đó có 209 HTX đang hoạt động. Số lượng thành viên HTX đến cuối năm 2021 là 54.600 người, số lao động làm việc tại HTX là 2.784 lao động. Doanh thu bình quân của 1 HTX giai đoạn 2013-2021 là 2.500 triệu đồng/năm, tăng 1.600 triệu đồng so với thời điểm năm 2012. Thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên tại 1 HTX là 54 triệu đồng, tăng 28 triệu đồng so với năm 2012.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về KTTT và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 là một sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển KTTT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển KTTT, HTX trong giai đoạn mới. Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt 20 năm qua KTTT đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Bên cạnh những mặt tích cực mà các bộ, ngành đã nêu tại hội nghị thì hoạt động KTTT vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, để KTTT phát triển mạnh trong thời gian tới, yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong phát triển mô hình KTTT, cần phát huy vai trò của cấp ủy trong việc định hướng cho hoạt động KTTT ở từng địa phương. Song song đó, để các sản phẩm của các HTX phát huy được sức cạnh tranh, các bộ, ngành và địa phương tập trung tối đa mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển của KTTT, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, xây dựng hạ tầng glogistic... Đồng thời cũng cần quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các HTX, hỗ trợ các HTX nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để có thể đưa các sản phẩm của HTX vươn xa hơn ở thị trường thế giới...