Xuất bản thông tin

null Chính sách hỗ trợ đã thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn phát triển

Chi tiết bài viết Tin tức

Chính sách hỗ trợ đã thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn phát triển

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua đã có nhiều chính sách từ Trung ương, địa phương được ban hành. Sáng ngày 22/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tổng kết chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Hội nghị do ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và ông Kiều Thế Lâm – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì; đồng thời kết nối trực tuyến đến các huyện, thành phố và có sự tham gia của các doanh nghiệp nông nghiệp.

Các đơn vị nêu kiến nghị về các chính sách lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp áp dụng các chính sách như: Hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; hỗ trợ cho vay phát triển một số ngành hàng nông nghiệp tiềm năng; hỗ trợ thương mại; phát triển chăn nuôi nông hộ; thực hành nông nghiệp tốt; hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp v.v..

Giai đoạn 2015 - 2021, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách là hơn 87 tỷ đồng, bình quân 12,5 tỷ đồng/năm, uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay sản xuất, với trên 11,7 tỷ đồng.

Phần lớn đại biểu đánh giá, các chính sách đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn; chú trọng đến chất lượng đầu ra sản phẩm, thực hành sản xuất tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất v.v.. Từ đó, nâng cao năng lực và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, một số chính sách chưa được đạt mục tiêu hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu đề ra, cũng như phát sinh một số vấn đề bất cập.

Gần đây, có các chính sách mới ban hành như: Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể; quy định về mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; mức hỗ trợ đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ “phát triển sản xuất giống”; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ v.v..

Do đó, một số đại biểu đề nghị điều chỉnh hoặc bãi bỏ chính sách không còn phù hợp, có hướng dẫn cụ thể hơn để các đối tượng tiếp cận chính sách dễ dàng, nhất là liên quan đến tín dụng; lựa chọn những hợp tác xã hoạt động hiệu quả để hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển hơn; cán bộ nông nghiệp hoặc chính quyền địa phương cần tham gia trong thực hiện liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; bổ sung thêm dịch vụ, ngành hàng chủ lực v.v..

Ông Kiều Thế Lâm – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận các cấp, các ngành, hợp tác xã và doanh nghiệp đã nỗ lực đưa chính sách đi vào cuộc sống; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của các chính sách đã ban hành.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách một cách khách quan, có kiến nghị để tỉnh sắp xếp lại cho phù hợp; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc.

Ông Nguyễn Phước Thiện yêu cầu tuyên truyền rộng rãi các chính sách hỗ trợ

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Phước Thiện đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ chính sách đã ban hành để tư vấn cho các chủ thể được hỗ trợ; trong tháng 3 có văn bản chính thức đề xuất cụ thể về chính sách hỗ trợ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp rà soát từng ngành hàng chủ lực của tỉnh, phân công nhiệm vụ từng ngành để thúc đẩy phát triển. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp các ý kiến; công bố rộng rãi các chính sách, nội dung hỗ trợ, đầu mối tư vấn để người dân tiếp cận dễ dàng hơn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu.