Xuất bản thông tin

null Nâng cao vai trò của hợp tác xã trong liên kết, bao tiêu nông sản

Chi tiết bài viết Tin tức

Nâng cao vai trò của hợp tác xã trong liên kết, bao tiêu nông sản

Hiện nay, để góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) trên địa bàn tỉnh Long An đã tích cực tìm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa cho thành viên và nông dân. Các HTX DVNN hầu hết đảm nhận những khâu dịch vụ gồm: Phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng vật tư, hàng hóa tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm, khuyến nông

Các hợp tác xã nông nghiệp cần chủ động nâng cao vai trò trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm

Những năm gần đây, vai trò tiêu thụ nông sản được một số HTX DVNN trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước), HTX Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) là 2 HTX khá chủ động trong việc tìm đối tác, ký kết với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, bếp ăn tập thể, doanh nghiệp,... bao tiêu sản phẩm cho thành viên và nông dân. Việc các HTX thực hiện ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản đã giúp các thành viên và nông dân an tâm sản xuất, không lo về đầu ra cho sản phẩm, có thu nhập ổn định và hạn chế được rủi ro; đồng thời giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, đến nay trong tổng số gần 200 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chỉ có khoảng 15% HTX cung cấp dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, hơn 80% HTX DVNN hiện nay chưa có các hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản. Đây là một trong các nguyên nhân khiến khâu tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập với tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng chỉ từ 3-15%.

Theo ghi nhận chung, khó khăn lớn nhất trong tiêu thụ nông sản hiện nay là các HTX DVNN chưa chủ động tìm kiếm đối tác, phụ thuộc, trông chờ nhiều vào cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, tình trạng nhiều hộ nông dân, thành viên HTX mặc dù đã ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp, HTX nhưng khi giá thị trường biến động, họ vẫn sẵn sàng bán sản phẩm cho tư thương với giá cao hơn một ít. Điều này gây khó khăn cho các HTX trong việc kêu gọi và duy trì hợp đồng tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp. Ngoài ra, người dân ở một số địa phương không đồng tình ủng hộ việc “góp” ruộng đất để HTX, doanh nghiệp thuê đất đầu tư phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Sự ách tắc, bị động, thiếu vững chắc thị trường đầu ra và điệp khúc “được mùa - rớt giá” đòi hỏi các HTX phải đổi mới nhận thức, tổ chức lại hoạt động tiêu thụ nông sản và tăng cường vai trò trong tiêu thụ nông sản.

Để hỗ trợ các HTX trong tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn về mặt bằng làm trụ sở, kho bãi, tăng định mức vay vốn tín chấp, thủ tục, lãi suất, thời gian vay phù hợp, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh chủ động xây dựng mô hình và tổ chức các điểm tiêu thụ nông sản sạch, từ đó góp phần cung cấp thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng./.

Hiện nay, toàn tỉnh có 254 HTX, gồm: 198 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; 22 HTX vận tải; 3 HTX xây dựng; 3 HTX thương mại - dịch vụ; 6 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 3 HTX nước, môi trường và 19 quỹ tín dụng nhân dân; trong đó có 26 HTX ngưng hoạt động (3 HTX vận tải; 22 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; 1 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp) và kiểm soát đặc biệt 1 quỹ tín dụng nhân dân.