Xuất bản thông tin

null Nhiều khó khăn trong liên kết sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long

Chi tiết bài viết Tin tức

Nhiều khó khăn trong liên kết sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long

Nhân dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa cao sản tại cánh đồng lớn.

Liên kết sản xuất lúa giúp bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả canh tác và thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua vẫn còn một số tồn tại khi việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa được chặt chẽ; còn tình trạng “bẻ kèo” giữa người dân và doanh nghiệp mặc dù đã có hợp đồng tiêu thụ...

Với diện tích canh tác lúa hằng năm khoảng hơn 350 nghìn ha, Sóc Trăng xác định đây là cây trồng chủ lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện đề án sản xuất và phát triển lúa đặc sản Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020 nhằm phấn đấu nâng cao năng suất, tập trung phát triển các giống lúa đặc sản nhằm gia tăng thu nhập cho nông dân. Khẳng định thương hiệu lúa thơm Sóc Trăng trên thị trường trong và ngoài nước.

Qua 5 năm triển khai thực hiện đề án, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại trên địa bàn đã tăng từ 148.463ha (năm 2016) lên 178.095ha (năm 2020), vượt gần 30% so kế hoạch đề án.

Để đề án thành công, tỉnh đã củng cố các hợp tác xã và tổ hợp tác chuyên lúa thuộc 7 huyện, thị xã vùng đề án để nắm các hoạt động và hỗ trợ tiêu thụ. Đến nay, đã có 54 hợp tác xã và 371 tổ hợp tác có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp, công ty... và diện tích liên kết bao tiêu trên 53.173ha.

Bên cạnh đó, qua thực hiện đề án ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã hỗ trợ xây dựng 42 mô hình trình diễn các giống lúa mới; xây dựng 26 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa đặc sản với diện tích 1.112ha/1.040 nông dân tham gia. Trong đề án còn thực hiện mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất gắn với liên kết doanh nghiệp nhằm bao tiêu lúa ngay từ đầu vụ. 

Nông dân Nguyễn Minh Hùng, xã Long Đức, huyện Long Phú bộc bạch, “khi canh tác ở cánh đồng lớn và tham gia vào hợp tác xã người nông dân chúng  tôi yên tâm hơn. Bởi sản xuất trong cánh đồng lớn và có liên kết cũng bảo đảm vật tư đầu vào rẻ, chất lượng hơn bên ngoài. Ngoài ra, lúa trước khi thu hoạch có bao tiêu bằng hợp đồng, trường hợp giá lúa khi thu hoạch nếu có chênh lệch so với giá thị trường thì doanh nghiệp vẫn bảo đảm bù lỗ cho bà con”. 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Trần Tấn Phương, đến nay, việc phát triển cánh đồng lớn gắn với sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao trên địa bàn đã và đang phát huy hiệu quả. Mô hình ngày càng được người nông dân quan tâm vì thu hút được sự liên kết hợp tác từ các doanh nghiệp. Việc phát triển cánh đồng lớn gắn với vùng sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao xuất khẩu của Sóc Trăng không chỉ khẳng định hướng đi đúng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mà còn tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo Việt.

Cục Trồng trọt cho biết, vụ lúa thu đông 2021 các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện 93,4 nghìn ha trong cánh đồng lớn, bằng 66,7% so với các vụ trước (trước đây ổn định từ 140 đến 150 nghìn ha).

Hiện nay, mặc dù là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước nhưng việc liên kết sản xuất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang gặp nhiều tồn tại cần khắc phục. Nguyên nhân là do sản lượng lúa thu hoạch tập trung, nông dân bán lúa tươi nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong chuẩn bị phương tiện vận chuyển.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa không đủ các thiết bị phơi sấy, kho chứa nên lúa thu hoạch thường phải tập kết đầu bờ khoảng 4 đến 5 ngày mới thu gom hết. Do vậy, một số diện tích lúa quá ngày thu hoạch từ 7 đến 10 ngày mới cho cắt nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Mặc dù giữa nông dân và doanh nghiệp có hợp đồng thu mua, nhưng vẫn xảy ra trường hợp công ty thu mua không kịp thì nông dân bán cho thương lái bên ngoài. Hay do giá lúa ngoài thị trường cao hơn giá ký hợp đồng nên một số nông dân “bẻ kèo” bán lúa ra ngoài.

Đặc biệt, hiện nay vẫn còn thiếu một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, nhất là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông; vẫn còn tình trạng hợp đồng ký kết chưa được rõ ràng với người nông dân; không có sự thống nhất về địa điểm thu mua, ẩm độ, tạp chất thiếu sự chế tài khi các bên không thực hiện đúng hợp đồng. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao nên các bên dễ vi phạm hợp đồng.

Hơn nữa, lực lượng thương lái thu mua lúa vẫn chưa được chú trọng, chưa được gắn kết vào chuỗi liên kết sản xuất ngành hàng lúa gạo. Một bộ phận bà con nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ theo quy trình sản xuất do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chưa tham gia sinh hoạt, hội họp đầy đủ dẫn đến việc khó khăn trong triển khai chính sách về liên kết.

Để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng thời gian tới các địa phương cần rà soát kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...

Theo BẢO HÂN - NGUYỄN PHONG/ Nhân dân