Xuất bản thông tin

null Hợp tác xã kiểu mới phải tạo lợi nhuận cho người dân

Tin tức - sự kiện Mô hình Hợp tác xã

Hợp tác xã kiểu mới phải tạo lợi nhuận cho người dân

Gần 6 tháng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thành An (Mỏ Cày Bắc) tỉnh Bến Tre, anh Phạm Văn Lâu cùng tập thể HTX nỗ lực, phối hợp với địa phương giải quyết những tồn đọng về phân bón, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho mặt hàng gạo sạch, an toàn và đã gặt hái những thành công nhất định. HTX được UBND huyện trao tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai và thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012 trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc...

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thành An Phạm Văn Lâu chuẩn bị gạo để chuẩn bị giao hàng.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thành An Phạm Văn Lâu chuẩn bị gạo để chuẩn bị giao hàng.

Tháo gỡ khó khăn

Tháng 5-2021, cử nhân kinh tế Phạm Văn Lâu về làm Giám đốc HTX trong bộn bề khó khăn. Được trưng dụng từ trạm y tế cũ nên cơ sở vật chất của HTX có phần xuống cấp; kho chứa gạo chật hẹp, ẩm thấp. Sau khi nắm sơ bộ tình hình, anh Lâu tìm hướng giải quyết căn cơ khó khăn về cơ sở vật chất.

“Khi ấy lượng phân bón của HTX tồn kho rất nhiều, ước trị giá trên 60 triệu đồng. Lượng gạo cần được tiêu thụ ra thị trường cũng lớn. Vấn đề đặt ra trước mắt là làm thế nào vừa bán được gạo vừa thanh lý luôn phân bón. Bằng sự táo bạo và quyết đoán, HTX bán gạo với mức giá chịu lỗ 50 đồng/kg đã tính phí vận chuyển. Sau đó nhập thêm gạo từ Công ty TNHH Phương Minh (Đồng Tháp) và trao đổi lượng phân bón (trên 20 triệu đồng). Phần còn lại, HTX bán cho thành viên, người dân ở địa phương với giá gốc hơn 26 triệu đồng; lượng tồn kho tầm 20 triệu đồng”, anh Phạm Văn Lâu cho biết.

Trên cơ sở giữ vững kết nối với những điểm bán gạo lâu năm ở chợ Ba Vát, Thành An hay các chợ nhỏ trong xã, HTX đã phát triển thêm 50 điểm bán gạo sạch, an toàn cùng cam kết chất lượng sản phẩm, với tiêu chí “4 không” (không chất bảo quản, không chất tẩy trắng, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đấu trộn). Đồng thời liên kết cung cấp cho các HTX khác trong huyện như: Hòa Lộc, Khánh Thạnh Tân, Tân Thành Bình hay mối lớn ở xã An Thạnh.

Để mở rộng thị thường tiêu thụ, anh Lâu đi “gõ cửa” từng điểm bán mới giới thiệu sản phẩm cùng những lợi ích mang đến cho khách hàng. Điểm bán gạo sạch, an toàn sẽ nhận huê hồng theo số lượng bán mà không phải bỏ vốn đầu tư ban đầu; thậm chí có thể trả lại HTX nếu không bán chạy hàng. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp trên 10 tấn gạo cho thị trường tiêu thụ, kể cả bán lẻ giao tận nhà cho người dân.

Từng bước phát triển

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành An Phạm Văn Lâu xác định: HTX kiểu mới phải tạo lợi nhuận cho người dân, tạo niềm tin sản xuất cho nông dân và tạo vùng sản xuất hiệu quả, chất lượng. Người dân là lực lượng chính tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, sự thành công cho tập thể. Thay đổi thói quen tiêu dùng, cách nhìn về HTX cũ trong lòng người dân vẫn còn là vấn đề trăn trở và nan giải.

HTX phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kêu gọi người dân sử dụng sản phẩm gạo sạch, an toàn. HTX thống nhất chi 100 đồng/kg theo số lượng mà chính quyền ấp vận động người dân mua từ HTX, góp vào nguồn quỹ của ấp. Trên hết, để động viên tinh thần ấp cùng thực hiện tốt Nghị quyết số 13/NQ-TW, HTX tiếp cận và tạo niềm tin trong dân. Từ đó người dân phấn khởi tham gia HTX kiểu mới. 

Anh Lâu cho hay, khi HTX bán hết lượng phân bón tồn đọng trong kho sẽ ngưng nhập hàng. HTX đã ký hợp đồng nguyên tắc cùng Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) cam kết thu mua dừa tại Thành An. Sau khi triển khai thực hiện, HTX sẽ kích hoạt lại mảng kinh doanh phân bón cho người dân trồng dừa sử dụng phù hợp.

Với diện tích hơn 2ha trồng dừa, trung bình 1,5 tháng, anh Võ Văn Dũng, ở ấp Đông An cho biết, cách gần tuần nay, anh thu hoạch được 3 thiên dừa. Giá bán 115 ngàn đồng/chục, thu nhập trên 30 triệu đồng. Lúc thị trường hiếm thì đắt giá, có lúc cũng lao dốc thảm. Được tham gia chuỗi liên kết sản xuất của HTX, anh và người dân bớt lo hơn.

“Hướng tới, HTX làm cầu nối giao thương trong chuỗi liên kết sản xuất dừa giữa công ty và người dân. Nhiều tổ hợp tác (THT) sẽ liên kết với HTX giúp nhà vườn tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Không chỉ dừng lại ở dừa, HTX còn nhiều liên kết sản xuất khác hình thành theo nhu cầu thực tiễn tại địa phương”, anh Lâu chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành An Võ Văn Bé Thanh cho biết: Hội Nông dân phối hợp với UBND xã thành lập THT sản xuất dừa Đông An, hướng đến quy trình hữu cơ. Thời gian tới, sẽ thành lập thêm 4 THT sản xuất dừa, với 125 thành viên. Phấn đấu đến cuối năm, toàn xã có 8 THT sản xuất dừa để thực hiện quy trình giật - thu gom - tập trung trong mối liên kết sản xuất tập thể hiệu quả.

Bài, ảnh: Lê Đệ/báo Đồng Khởi